Cần nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc

Đơn cử như quả na Lạng Sơn, trước năm 2016 vẫn XK sang Trung Quốc theo hình thức biên mậu, nhưng từ năm 2016, sản phẩm này không áp dụng hình thức tiểu ngạch.

Cần nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc
Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu (NK) nông sản chính của Việt Nam. Gần đây, nước này siết chặt điều kiện NK, trong đó có kiểm dịch, khiến nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam gặp khó.
Bà Nguyễn Thị Hà – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 (Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho hay, trước đây, một số loại trái cây mặc dù không nằm trong danh mục được xuất khẩu (XK) sang Trung Quốc, nhưng phía Trung Quốc vẫn tạo điều kiện cho XK theo đường tiểu ngạch. Hiện nay, XK tiểu ngạch bị siết chặt, do đó, phải thực hiện phân tích nguy cơ dịch hại, gửi kết quả, nếu chấp nhận mới được XK.
Đơn cử như quả na Lạng Sơn, trước năm 2016 vẫn XK sang Trung Quốc theo hình thức biên mậu, nhưng từ năm 2016, sản phẩm này không áp dụng hình thức tiểu ngạch. Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đã làm thủ tục phân tích nguy cơ dịch hại và gửi các thông tin về cơ sở sản xuất, vùng trồng… sang Trung Quốc với hy vọng, na Lạng Sơn sớm có thể XK theo đường chính ngạch.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, anh Đỗ Quang Đức – lái xe đến từ Bình Thuận – cho biết, xe chở thanh long của anh đã nằm chờ ở Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) gần 10 ngày, mọi thủ tục kiểm dịch, kiểm tra hàng hóa đã được cơ quan chức năng Việt Nam hoàn tất. Tuy nhiên, xe hàng vẫn chưa được phía Trung Quốc cho thông quan.
Ông Đoàn Tuấn Anh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh – chia sẻ, phía Trung Quốc đang tăng cường khâu kiểm dịch, xe hàng nào họ cũng lấy mẫu để làm thủ tục kiểm dịch dẫn đến đến việc thông quan hàng mất nhiều thời gian.
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường Trung Quốc đặt ra những yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi nông sản Việt Nam muốn XK sang thị trường này buộc phải thay đổi, trong đó quan trọng nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm.
Để gỡ khó cho các doanh nghiệp (DN) XK nông sản, thời gian qua, cơ quan kiểm dịch thực vật cửa khẩu đã nỗ lực kiểm soát để nông sản Việt Nam XK sang Trung Quốc, đáp ứng yêu cầu kiểm tra an toàn thực phẩm từ nước bạn.
Theo ông Đoàn Tuấn Anh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần quy hoạch vùng trồng trái cây, đầu tư công nghệ chế biến, công nghệ sinh học bảo quản… tránh thiệt hại kinh tế, gây tổn thất cho DN. Các cơ quan chức năng đàm phán với Trung Quốc trong việc thừa nhận kết quả kiểm tra của nhau để giảm thủ tục hành chính, thời gian thông quan, tạo điều kiện cho nông sản XK.
Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang rà soát các thủ tục, tiếp tục đề nghị Trung Quốc giải quyết mở cửa NK một số mặt hàng như na, măng cụt…, tạo thuận lợi cho các DN trao đổi thương mại chính ngạch. Bên cạnh đó, Bộ đang nghiên cứu, xin chủ trương xây dựng Đề án nâng cao năng lực chế biến hàng nông sản để đảm bảo yêu cầu không chỉ ở thị trường trong nước mà còn tại các nước NK.
Việc đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn cho nông sản XK cũng là giải pháp hạn chế rủi ro, tránh tình trạng hàng bị trả lại.
Theo baocongthuong.com
- Đặt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản 35 tỷ USD trong năm 2018
- Thời gian áp thuế đường nhập khẩu sẽ được kéo dài
- Việt Nam nhập khẩu hơn 60% rau quả từ Thái Lan
- Kim ngạch xuất khẩu chè Việt Nam tăng 11,8%
- Xuất khẩu của nước ta sang Algeria đã đạt 227,86 triệu USD trong 8 tháng
- Lượng tôm chưa nấu chín nhập khẩu vào Australia vẫn khiêm tốn
- Thông tin vụ chống bán phá giá tháp gió nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia.
- Cần nâng cao chất lượng cá tra
- Xuất khẩu tôm tăng mạnh
- Xuất khẩu khó tăng
- VASEP không chấp nhận mức thuế của Mỹ áp cho cá tra phi lê đông lạnh
- Xuất khẩu gạo: Tăng cả lượng và giá
- AANZFTA thúc đẩy thương mại đa phương
- Cá tra xuất khẩu sang Mỹ tăng giá mạnh
- Nhập siêu 3 tỷ USD từ Thái Lan sau 8 tháng
- Tiết kiệm từ 25 – 80% nhờ dịch vụ công trực tuyến
- Tín hiệu lạc quan xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai